ĐIỂM CHÚ Ý VỀ VIỆC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VỚI CỘNG TÁC VIÊN / FREELANCER TỪ NĂM 2021

Theo Điều 22 Bộ luật Lao động 2012, người lao động và người sử dụng lao động có thể xác lập quan hệ lao động thông qua hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (thường gọi là hợp đồng thời vụ).

Tuy nhiên, từ 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức được áp dụng thì hợp đồng thời vụ sẽ không còn. Mọi quan hệ lao động với công việc dưới 36 tháng đều được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Như vậy, khi lập hợp đồng với các cá nhân dịch vụ tư vấn, các cộng tác viên, freelancer, consultant hoặc contractor của công ty, cần thiết phải xác định rõ “quan hệ” giữa hai bên: cụ thể là quan hệ lao động hay quan hệ dịch vụ.

Pháp luật hiện hành không có khái niệm nào về hợp đồng cộng tác viên / freelancer. Do đó, sẽ phải căn cứ kỹ trên nội dung của thỏa thuận hai bên, khi quan hệ này được xác định là “dịch vụ”, các bạn cộng tác viên / freelancer sẽ không được xác định là người lao động của công ty. Và như vậy có thể sử dụng Hợp Đồng Dịch Vụ để ký kết. Các công ty có thể tham khảo thêm hướng này với các bên tư vấn Luật chuyên ngành.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng sẽ thực hiện công việc cho bên sử dụng, bên sử dụng phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng. Chi phí chi trả được tính dựa theo số thời gian làm dịch vụ, công ty không thực hiện quản lý thời gian làm việc, địa điểm làm việc và các ràng buộc về nghĩa vụ lao động, ràng buộc về nội quy kỷ luật lao động…

Như vậy, tùy thuộc vào thực tế làm việc và nội dung ký kết, nếu doanh nghiệp tuyển dụng “người lao động” dưới hình thức cộng tác viên / freelancer thì vẫn phải được xem là quan hệ lao động và không được ký hợp đồng dịch vụ. Ví dụ có sự thỏa thuận về các nội dung quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, ràng buộc tuân thủ nội quy lao động, kỷ luật lao động…v..v.. Lúc này, doanh nghiệp cần ký hợp đồng lao động xác định thời hạn theo quy định mới từ 2021.