LƯU Ý VỀ VIỆC HẠCH TOÁN KẾ TOÁN ĐỐI VỚI VỐN GÓP BẰNG NGOẠI TỆ

(Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tài Chính – Hỏi đáp CSTC (mof.gov.vn))

CHI TIẾT HỎI ĐÁP
Hỏi:
Xin chào, Tôi muốn hỏi về cách hạch toán kế toán đối với phần góp vốn bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Tôi đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, số vốn điều lệ ghi trên là 28 tỷ VND tương đương với 1,203,783.00 USD, tỷ giá quy đổi là 23.260VND/USD. Khi góp vốn, các nhà đầu tư đã góp đủ số vốn bằng ngoại tệ là 1,203,783.00 USD nhưng số tiền quy đổi ra VND là 27.850.875.056 VND do tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngày góp vốn khác với tỷ giá chọn quy đổi trên GIấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Căn cứ vào Điểm e và Điểm h Khoản 1 Điều 67 Thông tư 200/2014/TT-BTC tôi đã hạch toán như sau: Nợ TK 112: 27.850.875.056 (Tiền góp vốn quy đổi ra VND theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận góp vốn) Nợ TK 4112: 149.124.944 (Số tiền VND chênh lệch do tỷ giá ngoại tệ tại ngày giao dịch thực tế giảm) Có TK 4111: 28.000.000.000 ( GIấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) Nhưng tôi vẫn không chắc chắn tài khoản 4112 có bao gồm chênh lệch do ảnh hưởng của việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ góp vốn tại ngày góp vốn hay không, vì thông tư 200/2014/TT-BTC chỉ quy định “TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần: Tài khoản này phản ánh phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu; Chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với các công ty cổ phần). Tài khoản này có thể có số dư Có hoặc số dư Nợ”. Xin hỏi cách hạch toán như trên có đúng không ạ? Tôi xin cảm ơn rất nhiều ạ!
30/07/2019

Trả lời:

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 67, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:

“- Khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp được xác định bằng ngoại tệ tương đương với một số lượng tiền Việt Nam Đồng, việc xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ (thừa, thiếu, đủ so với vốn điều lệ) được căn cứ vào số lượng ngoại tệ đã thực góp, không xem xét tới việc quy đổi ngoại tệ ra Việt Nam Đồng theo giấy phép đầu tư.

Trường hợp doanh nghiệp ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính bằng Việt Nam Đồng, khi nhà đầu tư góp vốn bằng ngoại tệ theo tiến độ, kế toán phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại từng thời điểm thực góp để quy đổi ra Việt Nam Đồng và ghi nhận vào vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần (nếu có).”

Căn cứ quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp nhận vốn góp bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra Việt Nam đồng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm góp vốn, trong trường hợp này không phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị quý độc giả nghiên cứu./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *