HƯỚNG DẪN CHUNG VỀ KHAI THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

1. Quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn (Nghị định 126, Thông tư 80):

1.1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế

a) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp (bao gồm cả dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế cùng tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính, đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính).

(Khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế)

b) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng, sử dụng hoá đơn do đơn vị phụ thuộc đăng ký hoặc do người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào thì đơn vị phụ thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.

(Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

c) Người nộp thuế có hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản (trừ hoạt động kinh doanh bất động sản vãng lai theo quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

(Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

d) Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính (trừ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng theo mẫu số 05/GTGT; nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động chuyển nhượng bất động sản bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

Người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng được bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính.

(Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

đ) Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là nhà thầu xây dựng (nhà thầu chính, nhà thầu phụ), ký hợp đồng (phụ lục hợp đồng) trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng (hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành) tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính (bao gồm cả công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh) thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế giá trị gia tăng của các công trình, hạng mục công trình đó với cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT; nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có công trình xây dựng. Trường hợp Kho bạc Nhà nước đã thực hiện khấu trừ theo quy định thì người nộp thuế không phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước tương ứng với số tiền thuế Kho bạc Nhà nước đã khấu trừ.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động xây dựng bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

Doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo hợp đồng đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình tại từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng, người nộp thuế căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh.

Người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính. Số thuế giá trị gia tăng đã nộp tại tỉnh nơi có công trình xây dựng được bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính.

(Điểm c Khoản 1, Điểm c Khoản 2, Điểm c Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

e) Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đang hoạt động có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho từng dự án đầu tư và nộp hồ sơ khai thuế cho Cục Thuế nơi có dự án đầu tư.

 Trường hợp Chủ dự án đầu tư giao Ban quản lý dự án và Chi nhánh tại địa phương cấp tỉnh khác địa phương nơi Chủ dự án đầu tư đóng trụ sở chính thay mặt Chủ dự án đầu tư trực tiếp quản lý một hoặc nhiều dự án đầu tư tại nhiều địa phương thì Ban quản lý dự án và Chi nhánh phải lập hồ sơ khai thuế riêng đối với từng dự án đầu tư nộp cho cơ quan thuế nơi có dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp của tất cả các hoạt động kinh doanh cùng kỳ tính thuế của Chủ dự án đầu tư.

Khi dự án đầu tư để thành lập doanh nghiệp đã hoàn thành và hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, Chủ dự án đầu tư phải tổng hợp số thuế giá trị gia tăng phát sinh, số thuế giá trị gia tăng đã hoàn, số thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn của dự án để bàn giao cho doanh nghiệp mới thành lập để doanh nghiệp mới thực hiện kê khai, nộp thuế và đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

(Điểm d Khoản 2 Điều 7 và Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Điểm mới 2 Khoản 5.2 công văn số 5189/TCT-CS ngày 7/12/2020 của Tổng cục Thuế hướng dẫn điểm mới Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

g) Người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính nhưng có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC như sau:

g.1) Đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán:

Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động kinh doanh xổ số điện toán trên toàn quốc và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán theo mẫu số 01-3/GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh xổ số điện toán.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh xổ số điện toán bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hoạt động kinh doanh xổ số điện toán nhân (x) với tỷ lệ (%) doanh thu bán vé thực tế từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán tại từng tỉnh trên tổng doanh thu bán vé thực tế của người nộp thuế.

Doanh thu bán vé thực tế từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán được xác định như sau:

Trường hợp phương thức phân phối vé xổ số điện toán thông qua thiết bị đầu cuối: Doanh thu từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán phát sinh từ các thiết bị đầu cuối đăng ký bán vé xổ số điện toán trong địa giới hành chính từng tỉnh theo hợp đồng đại lý xổ số đã ký với công ty xổ số điện toán hoặc các cửa hàng, điểm bán vé do người nộp thuế thiết lập trên địa bàn.

Trường hợp phương thức phân phối vé xổ số điện toán thông qua điện thoại và internet: Doanh thu được xác định tại từng tỉnh nơi khách hàng đăng ký tham gia dự thưởng khi mở tài khoản dự thưởng theo quy định của pháp luật về kinh doanh xổ số điện toán.

(Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

g.2) Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:

Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu (trừ hoạt động sản xuất thủy điện, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán) theo mẫu số 01-6/GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng nhân (x) với 2% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%) hoặc 1% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%) với điều kiện tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất không được vượt quá số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính. Trường hợp cơ sở sản xuất điều chuyển thành phẩm hoặc bán thành phẩm cho đơn vị khác trong nội bộ để bán ra thì doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất sản phẩm.

Trường hợp người nộp thuế tính để khai, nộp theo tỷ lệ 1% hoặc 2%% nêu trên mà tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất lớn hơn tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính thì người nộp thuế phân bổ số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo công thức sau: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính nhân (x) với tỷ lệ (%) doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại từng tỉnh trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra của người nộp thuế.

Doanh thu dùng để xác định tỷ lệ phân bổ là doanh thu thực tế phát sinh của kỳ tính thuế. Trường hợp khai bổ sung làm thay đổi doanh thu thực tế phát sinh thì người nộp thuế phải xác định và phân bổ lại số thuế phải nộp của từng kỳ tính thuế có sai sót đã kê khai bổ sung để xác định số thuế giá trị gia tăng chênh lệch chưa phân bổ hoặc phân bổ thừa cho từng địa phương.

(Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

g.3) Đối với nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh:

Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng phát sinh của nhà máy thủy điện và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện theo mẫu số 01-2/GTGT cho cơ quan thuế nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có nhà máy thủy điện.

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại từng tỉnh nơi nhà máy thủy điện nằm trên địa giới hành chính bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của nhà máy thủy điện nhân (x) với tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của phần nhà máy thủy điện nằm trên địa giới hành chính từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư của nhà máy thủy điện.

Trường hợp thuế giá trị gia tăng của cơ sở sản xuất thủy điện được phân chia cho các tỉnh khác nhau thì Cục Thuế địa phương nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện căn cứ quy định tại Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC có trách nhiệm chủ trì phối hợp với chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện và các Cục Thuế địa phương nơi có chung nhà máy thủy điện, lòng hồ thủy điện để thống nhất xác định tỷ lệ phân bổ nghĩa vụ thuế của từng sắc thuế cho từng tỉnh nơi được hưởng nguồn thu. Trường hợp không thống nhất tỷ lệ phân bổ nghĩa vụ thuế cho từng tỉnh giữa các Cục Thuế và người nộp thuế, Cục Thuế địa phương nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) hướng dẫn.

(Điểm đ Khoản 1, Điểm đ Khoản 2, Điểm đ Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

g.4) Đối với người nộp thuế kinh doanh dịch vụ viễn thông có chi nhánh hạch toán phụ thuộc ở tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu theo mẫu số 01-6/GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

(Khoản 5 Điều 88 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

h) Người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

(Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

i) Trường hợp người nộp thuế được giao quản lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức nhưng không thành lập pháp nhân riêng thì thực hiện khai thuế riêng đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh và nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan thuế nơi có hoạt động hợp tác kinh doanh.

(Điểm đ Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

k) Người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế nơi chuyển đi trong trường hợp đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã hoặc cơ quan thuế nơi chuyển đến.

(Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

l) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT trong các trường hợp sau đây:

l.1) Người nộp thuế chỉ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại Luật thuế GTGT.

l.2) Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

l.3) Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.

l.4) Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

(Điểm a, c, d, đ Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

1.2. Khai thuế giá trị gia tăng là loại thuế khai theo tháng, quý và từng lần phát sinh

a) Khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý:

a.1) Người nộp thuế thực hiện tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, phương pháp trực tiếp trên GTGT, phương pháp trực tiếp trên doanh thu theo quy định tại Luật thuế GTGT thì khai thuế GTGT theo tháng. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng điều kiện khai thuế theo quý sau đây thì mới được khai thuế theo quý, cụ thể:

– Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.

Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

– Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

a.2) Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định như sau:

– Người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

– Trường hợp người nộp thuế đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi Văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế từ tháng sang quý theo mẫu số 01/ĐK-TĐKTT ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.

– Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý theo mẫu số 02/XĐ-PNTT ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.

– Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

(Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

b) Người nộp thuế khai thuế GTGT theo từng lần phát sinh:

– Người nộp thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế) hoặc người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

– Người nộp thuế áp dụng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng Thuế không phát sinh thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp người nộp thuế trong tháng phát sinh nhiều lần thì được khai theo tháng.

(Điểm a, đ Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

1.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng, theo quý được quy định như sau:

+ Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;

+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

b) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

(Điểm a, b Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế).

1.4. Kho bạc Nhà nước thực hiện khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng của các nhà thầu khi thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư như sau:

a) Kho bạc Nhà nước nơi chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch thực hiện khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng để nộp vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ 1% doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với khối lượng hoàn thành của các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Kho bạc Nhà nước không thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với các trường hợp sau:

b.1) Chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định.

b.2) Các khoản thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các hoạt động quản lý dự án: thanh toán cho các công việc quản lý dự án cho chủ đầu tư trực tiếp thực hiện; các khoản chi của ban quản lý dự án, chi giải phóng mặt bằng, chi đối với các dự án do dân tự làm.

b.3) Các khoản chi phí đầu tư xây dựng của các dự án, công trình thuộc ngân sách xã có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng.

b.4) Các trường hợp người nộp thuế chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

c) Chủ đầu tư khi thực hiện thanh toán tại Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm lập chứng từ thanh toán theo mẫu quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ gửi Kho bạc Nhà nước thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Số thuế giá trị gia tăng do Kho bạc Nhà nước khấu trừ trên chứng từ thanh toán được trừ vào số thuế giá trị gia tăng phải nộp của nhà thầu. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp chứng từ thanh toán cho các nhà thầu đã được Kho bạc Nhà nước khấu trừ thuế.

d) Việc hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với số thuế giá trị gia tăng đã được Kho bạc Nhà nước khấu trừ theo nguyên tắc công trình xây dựng cơ bản phát sinh tại tỉnh nào thì số thuế giá trị gia tăng do Kho bạc Nhà nước khấu trừ sẽ được hạch toán vào thu ngân sách của tỉnh đó.

Trường hợp công trình nằm trên nhiều tỉnh thì chủ đầu tư có trách nhiệm xác định doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng công trình theo từng tỉnh và có trách nhiệm lập chứng từ thanh toán theo mẫu quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ gửi Kho bạc Nhà nước để khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hạch toán thu ngân sách cho từng tỉnh. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng nằm trên nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình ở từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng của công trình, hạng mục công trình xây dựng, căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh. Trường hợp công trình trong cùng tỉnh (gồm: công trình liên huyện, công trình ở huyện khác với nơi nhà thầu đóng trụ sở), Cục Thuế địa phương phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hạch toán thu ngân sách nhà nước theo địa bàn huyện.

đ) Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với khoản thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ, tổng hợp đầy đủ thông tin trên chứng từ thu vào Bảng kê chứng từ nộp ngân sách và chuyển cho cơ quan thuế theo quy định.

(Khoản 5 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC)

1.5. Hồ sơ khai thuế GTGT:

1.5.1. Hồ sơ khai thuế theo tháng/quý đối với phương pháp khấu trừ:

a) Hồ sơ khai thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh:

– Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động sản xuất kinh doanh) mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện mẫu số 01-2/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán mẫu số 01-3/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu (trừ sản xuất thủy điện, kinh doanh xổ số điện toán) mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

– Tờ khai thuế giá trị gia tăng tạm nộp trên doanh thu (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác địa bàn nơi có trụ sở nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

b) Hồ sơ khai thuế đối với dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế: Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế) mẫu số 02/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

1.5.2. Hồ sơ khai thuế theo tháng/quý đối với phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng: Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý) mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

1.5.3. Hồ sơ khai thuế theo tháng/quý và từng lần phát sinh đối với phương pháp trực tiếp trên doanh thu: Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu) mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.