Các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Một vài chi tiết cần lưu ý như sau:
- Các Công ty nào tuân thủ quy định về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định áp dụng cho:
“b) Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.”
Theo Luật đầu tư 2020 (hiệu lực từ 01/01/2021): “Tổ chức Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Theo Điều 2, Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
“Dự án có vốn đầu tư nước ngoài là dự án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư thực hiện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Dự án được đầu tư theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.”
Như vậy: Tất cả Công ty có vốn đầu tư nước ngoài với bất kỳ tỷ lệ góp vốn và dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ nước ngoài trên 50% đều phải thực hiện các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT.
- Các hình thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Hiện nay có 03 hình thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:
– Kiểm tra định kỳ: trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm của cơ quan quản lý.
– Kiểm tra đột xuất: trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài hoặc có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư.
– Kiểm tra chuyên ngành: được tiến hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành và trên cơ sở yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm đánh giá tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Cách thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (online tại website fdi.gov.vn);
- Thông qua báo cáo;
- Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
- Nội dung kiểm tra đối với Công ty, dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Công ty, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có thể được kiểm tra các nội dung sau:
1. Tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đầu tư đăng ký.
2. Tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc ứng dụng công nghệ đối với dự án thuộc diện thẩm định, có ý kiến về công nghệ (công nghệ áp dụng so với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến; việc thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); chuyển giao công nghệ đối với dự án có thực hiện chuyển giao công nghệ (đối tượng, nội dung, phương thức chuyển giao công nghệ, kết quả thực hiện chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận giữa các bên); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.
3. Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
4. Việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác.
5. Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
a) Giá trị tài sản góp vốn của các bên (giá trị quyền sử dụng đất; giá trị tài sản máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác theo quy định của pháp luật);
b) Việc sử dụng đúng mục đích của máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu;
c) Kiểm tra kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu tại thời điểm trước khi lên sàn chứng khoán trong một số trường hợp đặc biệt có dấu hiệu nâng khống giá trị doanh nghiệp;
d) Các giao dịch với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết;
đ) Tình hình thực hiện các khoản nợ (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nợ khác);
e) Trích lập, sử dụng các quỹ dự phòng, khấu hao tài sản cố định, hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái;
g) Việc chia lợi nhuận đối với phần vốn góp của nhà nước trong tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài;
h) Tình hình bảo toàn vốn góp của tổ chức kinh tế, dự án có vốn nhà nước (bao gồm đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và tiếp nhận đối tác vào góp vốn liên doanh, liên kết trong tổ chức kinh tế).
6. Các nội dung khác liên quan tới triển khai thực hiện dự án đầu tư
a) Việc chấp hành quy định về điều kiện giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo, thống kê theo quy định;
b) Việc chấp hành biện pháp xử lý vi phạm đã phát hiện.
7. Đối với các dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngoài các nội dung được quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này, nội dung kiểm tra còn bao gồm việc thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
8. Tùy mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra và theo tính chất, đặc điểm của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ hay một phần các nội dung nêu trên.