– Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”
– Căn cứ Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
+ Tại Khoản 3 Điều 4 quy định về giao dịch liên kết:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
…3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.”
+ Tại Điều 5 quy định các bên có quan hệ liên kết:
“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;…”
Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc như sau:
Trường hợp Công ty mẹ áp dụng mô hình quản lý tập trung các đơn vị thành viên (Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu – sau đây gọi là Công ty con), theo đó Công ty mẹ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty con phù hợp với quy định của pháp luật (bao gồm mua sắm tập trung, cung cấp dịch vụ logistic, hỗ trợ quản lý, hỗ trợ nhân sự, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh,…) dưới hình thức hợp đồng Công ty mẹ ký với từng Công ty con, xuất hóa đơn cho Công ty con; Công ty mẹ hạch toán doanh thu, kê khai thuế theo quy định; Công ty con thực hiện thanh toán cho Công ty mẹ các khoản chi phí phát sinh theo hợp đồng, nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì các Công ty con được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
* Trong năm tài chính, nếu Công ty mẹ và các công ty con phát sinh giao dịch nêu trên thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định liên quan về giao dịch liên kết.