TỔNG QUAN VỀ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ

Từ năm 2011 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Xu hướng sử dụng hoá đơn điện tử để thay thế cho hoá đơn giấy ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất kinh doanh, hội nhập với khu vực và quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trong đó có hình thức hoá đơn điện tử và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư trên để hướng dẫn cụ thể.

Để đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền nhằm giúp cho người dân nói chung và người nộp thuế nói riêng hiểu biết về hình thức hoá đơn này, VNC thông tin một số điểm chính về quy định này như sau:

Khái niệm hóa đơn điện tử: Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hoá đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Lợi ích của việc sử dụng hoá đơn điện tử: Sử dụng hoá đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng: giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh; rút ngắn thời gian thanh toán do việc lập, gửi/nhận hoá đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử; góp phần hiện đại hoá công tác quản trị doanh nghiệp.

Nguyên tắc sử dụng hoá đơn điện tử: Tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải thông báo cho khách hàng của mình về định dạng hoá đơn điện tử, cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử. Người bán, người mua, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và các đơn vị có liên quan phải có thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hoá đơn điện tử đó.

Các yêu cầu phải thực hiện khi sử dụng hoá đơn điện tử:

+ Tổ chức cá nhân muốn sử dụng hoá đơn điện tử phải có hạ tầng về công nghệ thông tin để lưu trữ và sử dụng chứng từ điện tử và phải có chữ ký điện tử.

+ Tổ chức cá nhân tự xác định việc sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử (tự xây dựng hoặc sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử do tổ chức trung gian cung cấp).

+ Tổ chức cá nhân phải thông báo cho khách hàng về định dạng hoá đơn và cách thức truyền nhận hoá đơn điện tử (trực tiếp hay qua tổ chức trung gian).

+ Tổ chức cá nhân phải ban hành Quyết định áp dụng hoá đơn điện tử và gửi Thông báo phát hành hoá đơn điện tử tới cơ quan thuế trước khi lập hoá đơn điện tử.

+ Tổ chức cá nhân có thể lập hoá đơn trên hệ thống phần mềm của mình hoặc trên hệ thống của tổ chức trung gian, ký điện tử và chuyển cho người mua.

Để sử dụng hoá đơn điện tử, các tổ chức, cá nhân xem xét điều kiện thực tế của mình về hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ sử dụng công nghệ thông tin; việc lưu trữ, sử dụng chứng từ điện tử; chữ ký số; khả năng chấp nhận sử dụng hoá đơn điện tử của khách hàng… để triển khai áp dụng hình thức hoá đơn điện tử.

Từ năm 2018: Những đối tượng nào phải sử dụng hóa đơn điện tử?

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 90% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử hoặc 90% hàng hóa lưu thông trên thị trường bằng hóa đơn điện tử, ngành Thuế đề xuất ngay từ đầu năm 2018, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 15 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số thuế và định kỳ thực hiện.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, các đối tượng sau sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số thuế và định kỳ thực hiện kết chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan Thuế (doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp, ngân hàng có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên…); các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế (một số doanh nghiệp mới thành lập; các doanh nghiệp, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan Thuế như doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro theo thông báo của cơ quan Thuế và tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan Thuế trước ngày 1/1/2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế theo Thông báo của cơ quan Thuế).

Từ ngày 1/1/2019, sẽ áp dụng đối với 30% các tổ chức, doanh nghiệp còn lại. Từ ngày 1/1/2020, sẽ áp dụng đối với 80% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Đồng thời, bắt đầu triển khai Hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỷ đồng trở lên.

Đây là lộ trình được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất trong đề nghị xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đang được đăng tải trên website của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã tăng khá trong những năm vừa qua (30 doanh nghiệp năm 2011, tăng lên 331 năm 2015 và năm 2016 là 656 đơn vị). Số lượng hóa đơn điện tử được sử dụng cũng tăng mạnh qua các năm (từ 9.014 năm 2011 lên hơn 277 triệu vào năm 2016). Việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh.

Cũng theo Bộ Tài chính, ở thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (sử dụng mạng Internet) đã đủ năng lực đáp ứng việc sử dụng hóa đơn điện tử.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì đến tháng 1/2017 cả nước có hơn 43,9 triệu thuê bao 3G (thuê bao Internet băng rộng di động – Data Card 3G) và tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là hơn 9,3 triệu. Sóng 3G đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố và dịch vụ 4G cũng đang được các nhà mạng mở rộng.

Bản thân ngành Thuế cũng đã chuẩn bị về cơ sở hạ tầng với việc đảm bảo kết nối từ Tổng cục (cấp Trung ương) tới 63 Cục Thuế. Dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử cũng đã được triển khai với 576.056 doanh nghiệp (chiếm 99% doanh nghiệp đang hoạt động)…

Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Đặc biêt là hóa đơn điện tử phải được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế là một loại hóa đơn được cấp mã xác thực và số xác thực thông qua hệ thống xác thực của cơ quan Thuế.

Với hàng chục tỷ đồng tiết kiệm được chỉ trong một năm cho thấy, hóa đơn điện tử đang tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà.

Từ việc sử dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu…

Thực hiện hóa đơn điện tử, doanh nghiệp chỉ cần có máy tính và nối mạng internet, chi phí cho việc thực hiện hóa đơn điện tử cũng rẻ hơn rất nhiều, giảm từ 50-70% so với hóa đơn giấy và trong xu thế thương mại điện tử hiện nay; khi người dân đã dần quen với công nghệ thanh toán điện tử thì việc sử dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu…

Để triển khai việc thực hiện hóa đơn điện tử, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn việc khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; đồng thời giao Tổng cục Thuế lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thí điểm hóa đơn điện tử.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, đến nay, các doanh nghiệp thí điểm đều đã triển khai thành công, được khách hàng chấp thuận. Trong số này có thể kể đến là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nếu như năm 2012, Tập đoàn này mới chỉ triển khai hóa đơn điện tử ở Công ty Điện lực Sài Gòn cho trên 90.000 khách hàng, thì đến nay EVN đã triển khai cho toàn bộ khách hàng trên cả nước.

Tương tự, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) cũng đã thực hiện thành công hóa đơn điện tử với tất cả dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cho khách hàng, đồng thời đã chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các VNPT tỉnh, thành và các đơn vị thành viên trong công tác bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên toàn quốc. Hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã mở rộng sử dụng vé điện tử trên toàn hệ thống trong hoạt động vận chuyển hành khách và một số dịch vụ bổ trợ gắn liền với vận chuyển hàng không (EMD), dịch vụ hàng không kết hợp dịch vụ mặt đất (VNA holidays). Công ty Vận tải đường sắt Gài Gòn, Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử đối với dịch vụ vận chuyển hành khách từ tháng 9/2015 và bước đầu hệ thống đã vận hành ổn định, đem lại tiện ích cho khách hàng mua vé và công tác quản lý của Tổng công ty.

Ngoài những doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang triển khai áp dụng hóa đơn điện tử như: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước, Công ty Thế giới di động, Công ty cổ phần bán lẻ FPT, Ngân hàng Phương Đông, Công ty Cáp treo Bà Nà…

Như vậy, có thể thấy, dù hóa đơn điện tử còn khá mới ở Việt Nam, song đã và đang được nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, do không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, giúp ngành Thuế đẩy mạnh cải cách, mà còn là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay với tính năng minh bạch và tiện ích của dịch vụ này.

Theo ước tính sơ bộ của Vụ Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/ hóa đơn và với số lượng hóa đơn cả nước khoảng 2,5 tỷ hóa đơn /năm thì chi phí bỏ ra chí ít cũng lên đến 2.500 tỷ đồng/năm. Nếu lấy con số này trừ đi phần tiết giảm được (50-70%) so với hóa đơn giấy, thì số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được do sử dụng hóa đơn điện tử lên tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Không những thế, việc chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử này còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các công việc khởi tạo và phát hành hóa đơn, giảm thiểu được sai sót trong kê khai thuế và tiết kiệm thời gian. Điều này cũng sẽ giúp ngành Thuế “quản” được việc phát hành hóa đơn của người nộp thuế; hỗ trợ tích cực cho công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Đồng thời, giúp cơ quan Thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu hóa đơn tập trung và thống nhất để phục vụ công tác quản lý thuế của Nhà nước, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế; trên cơ sở đó sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho cơ quan Thuế và doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế. Ở góc độ ngân sách, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng sẽ được tăng thu hàng tỷ đồng, do các doanh nghiệp không phải chi những khoản chi không cần thiết và việc kê khai doanh thu của doanh nghiệp minh bạch hơn.

… đến hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử

Có thể nói, xu thế hóa đơn điện tử là tất yếu và thực tế việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, khách hàng, cơ quan Thuế và xã hội. Thế nhưng, thực tế không ít doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách” luật, tiếp tục thực hiện hóa đơn giấy và thực chất của tình trạng này là “giấu” doanh thu để “né thuế.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm đáng lưu ý cần hoàn thiện hiện nay là đề cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm xã hội của cả cộng đồng. Bởi, trên thực tế, rất nhiều người tiêu dùng khi đi mua hàng không quan tâm đến chuyện lấy hóa đơn và khi đó, các cơ sở kinh doanh cũng sẽ “không dại gì” khai thông tin hóa đơn giấy vào hệ thống điện tử để chịu thuế. Cần phải truyền thông cho người tiêu dùng thấy được việc lấy hóa đơn khi mua hàng có lợi ích gắn với người tiêu dùng, không chỉ thu thuế cho Nhà nước mà họ còn bảo vệ chính mình.

Ngoài việc đề cao ý thức của người tiêu dùng, nâng cao tính trung thực trong kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ quan liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan cũng cần thống nhất tính pháp lý của hóa đơn điện tử để việc quản lý, sử dụng hóa đơn của người mua và người bán được dễ dàng hơn. Ngành Thuế cũng nên quan tâm phát triển hóa đơn điện tử, trong đó nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công chức thuế, tiếp tục đầu tư trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho việc kết nối thông suốt giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp chủ động triển khai hóa đơn điện tử. Đồng thời, ngành Thuế cũng cần hợp tác chặt chẽ với các hãng cung cấp giải pháp phần mềm để hoàn thiện ứng dụng; cơ quan thuế cũng cần bổ sung những quy định chi tiết cho việc triển khai hóa đơn điện tử như quy trình thủ tục tham gia truyền, nhập dữ liệu; xuất, hủy hóa đơn …

Đặc biệt, ngành Thuế cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử. Thực tế triển khai cho thấy, nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử cần khẩn trương hoàn thiện. Đơn cử, đối với những nội dung vướng mắc về chính sách đã được Tổng cục Thuế tháo gỡ cho các doanh nghiệp thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử, như: hướng dẫn về liên hóa đơn điện tử, quy định kết chuyển dữ liệu giữa phần mềm bán hàng và phần mềm kế toán theo định kỳ thay cho kết nối trực tiếp, quy định về trường hợp phải có và không phải có chữ ký điện tử của người mua, quy định về định dạng hóa đơn điện tử …, nay cần phải có hướng dẫn rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính pháp lý cho việc triển khai.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định tại các văn bản cấp Nghị định để nâng cao tính ưu việt và khả năng áp dụng của hóa đơn điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ; sửa đổi bổ sung Thông tư 32/2011/TT-BTC cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế triển khai hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử và tiến tới áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *