– Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa:
“Điều 33. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 (mười) năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế…
2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:
a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).
b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.
c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này…”
– Tại Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý sai sót, tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp thuế:
“Điều 77. Xử lý sai sót, tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp thuế
1. Nguyên tắc xử lý sai sót
a) Sai sót phát sinh hoặc được phát hiện tại đơn vị nào thì đơn vị đó phải chủ động xác định nguyên nhân sai sót, khắc phục hậu quả, đồng thời gửi văn bản tra soát hoặc thông báo đến các đơn vị liên quan để phối hợp, xử lý theo quy định…
b) Các khoản tiền chuyển thừa, chuyển thiếu được xử lý theo quy định về xử lý sai sót trong thanh toán của ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước…
2. Thực hiện tra soát và điều chỉnh thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước
…c) Đối với ngân hàng ủy nhiệm thu
Khi nhận được thư tra soát từ ngân hàng chưa phối hợp thu hoặc từ ngân hàng phối hợp thu, ngân hàng hàng ủy nhiệm thu có trách nhiệm thực hiện tra soát và điều chỉnh sai sót theo quy định về xử lý sai sót trong thanh toán; đồng thời gửi thông tin đã điều chỉnh cho cơ quan kho bạc nhà nước (nếu chứng từ đã , được truyền sang cơ quan kho bạc nhà nước) để điều chỉnh sai sót liên quan đến hạch toán khoản nộp tại cơ quan kho bạc nhà nước.
Trường hợp chuyển thừa tiền (số với số tiền khách hàng nộp), ngân hàng gửi thư tra soát sang cơ quan kho bạc nhà nước. Căn cứ nội dung tra soát của ngân hàng, cơ quan kho bạc nhà nước trả lại tiền thừa cho ngân hàng. Trường hợp chuyển thiếu tiền, ngân hàng thực hiện chuyển bổ sung cho đủ số tiền phải nộp ngân sách nhà nước về tài khoản của cơ quan kho bạc nhà nước, bảo đảm các thông tin hạch toán khớp đúng thông tin đã hạch toán trước đó.
d) Đối với cơ quan kho bạc nhà nước
Khi đã hạch toán thu ngân sách nhà nước và chuyển thông tin thu ngân sách nhà nước sang cơ quan thuế, nếu phát hiện sai sót thì cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh thông tin và gửi thông báo sang cơ quan thuế để cơ quan thuế điều chỉnh thông tin quản lý.
Khi nhận được thư tra soát từ người nộp thuế/ cơ quan thuế/ ngân hàng thì cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm tra soát, điều chỉnh thông tin và thông báo với các cơ quan liên quan để điều chỉnh thông tin thu nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm lập thư tra soát bằng phương thức điện tử đối với các khoản đã hạch toán vào tài khoản chờ xử lý các khoản thu của cơ quan thuế để cơ quan thuế bổ sung thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước…”
Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc cần xác định rõ nguyên nhân sai sót để xử lý như sau:
* Trường hợp xác định là sai sót trong nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng chuyển thừa tiền số với số tiền trên chứng từ gốc (chứng từ gốc ghi đúng số tiền số với số tiền thuế phải nộp): Cơ quan Thuế hướng dẫn Ngân hàng thực hiện tra soát với Kho bạc nhà nước. Căn cứ tra soát của ngân hàng, Kho bạc nhà nước thực hiện trả lại số tiền chuyển thừa theo quy định tại tiết b khoản 1 Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC và thực hiện tương tự quy định tại tiết c khoản 2 Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC đã trích dẫn nêu trên.
– Trường hợp xác định là sai sót của người nộp thuế viết sai số tiền trên chứng từ gốc số với số tiền thuế phải nộp (ngân hàng đã chuyển đúng số tiền trên chứng từ gốc): Được xác định là nộp thừa và người nộp thuế được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo thủ tục quy định tại Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
Trân trọng.